Lịch sử hoạt động SMS_Zähringen

Hải quân Đế quốc Đức

Khi được đưa ra hoạt động vào tháng 10 năm 1902, Zähringen được phân về Hải đội 1 của Hạm đội Chiến trận.[7] Đến năm 1905, hạm đội Đức được tái tổ chức thành hai hải đội thiết giáp hạm; Zähringen được phân về Đội 1 của Hải đội 1, có sự tham gia của các con tàu chị em WettinWittelsbach. Hạm đội Đức lúc đó còn có thêm một đội ba chiếc của Hải đội 1 và hai đội ba chiếc khác của Hải đội 2; chúng được hỗ trợ bởi một hải đội trinh sát bao gồm hai tàu tuần dương bọc thép và sáu tàu tuần dương bảo vệ.[8]

Deutschland, lớp thiết giáp hạm mạnh nhất mà Đức từng chế tạo, bắt đầu được đưa ra hoạt động vào năm 1907. Việc này đã cung cấp cho hải quân đủ tàu chiến để hình thành một hải đội thứ hai đầy đủ sức mạnh bao gồm tám chiếc. Hạm đội được đổi tên thành Hạm đội Biển khơi (Hochseeflotte).[7]

Vào ngày 21 tháng 9 năm 1910, Zähringen được cho xuất biên chế để đưa về lực lượng dự bị, trong khi thủy thủ của nó được chuyển sang chiếc thiết giáp hạm dreadnought mới Rheinland, vốn vừa được hoàn tất.[9] Vào năm 1912, Zähringen và các tàu chị em được cho hoạt động trở lại như là Hải đội 3 của Hạm đội Biển khơi nhằm tăng cường lực lượng đủ cho cuộc thực tập cơ động hạm đội hàng năm tại Bắc Hải. Cuộc tập trận được bắt đầu vào ngày 2 tháng 9, được tiến hành tại khu vực giữa Wilhelmshaven, HelgolandCuxhaven.[10] Trong khi cơ động về phía Tây Nam Helgoland vào ngày 14 tháng 9 năm 1912, Zähringen vô tình húc phải tàu phóng lôi G171, khiến nó bị cắt vỡ làm đôi và chìm nhanh chóng. Sáu thủy thủ đã chết theo tàu và một người thứ bảy qua đời sau khi được kéo lên khỏi biển.[11]

Đến năm 1914, Zähringen và các tàu chị em được cho xuất biên chế và đưa về lực lượng dự bị.[12] Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra vào tháng 8 năm 1914, chúng được huy động trở lại trong thành phần Hải đội Chiến trận 4 dưới quyền chỉ huy của Phó đô đốc Ehrhard Schmidt.[13] Bắt đầu từ ngày 3 tháng 9 năm 1914, Hải đội Chiến trận 4, có sự hỗ trợ của tàu tuần dương bọc thép Blücher, bắt đầu một cuộc càn quét vào biển Baltic. Chiến dịch kéo dài cho đến ngày 9 tháng 9 nhưng không lôi kéo được các đơn vị Hải quân Nga vào cuộc xung đột.[14] Vào tháng 5 năm 1915, Hải đội Chiến trận 4, kể cả Zähringen, được điều sang hỗ trợ cho Lục quân Đức tại khu vực biển Baltic.[15] Zähringen và các tàu chị em sau đó đặt căn cứ tại Kiel.[16]

Vào ngày 6 tháng 5, các con tàu thuộc Hải đội 4 được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho cuộc tấn công chiếm đóng Libau. Zähringen cùng các tàu khác chiếm lấy vị trí ngoài khơi Gotland nhằm đánh chặn mọi tàu tuần dương Nga tìm cách ngăn cản cuộc đổ bộ; tuy nhiên phía Nga đã không hoạt động. Đến ngày 10 tháng 5, sau khi lực lượng tấn công đã tiến vào Libau, các tàu ngầm Anh E1E9 đã phát hiện Hải đội 4, nhưng ở khoảng cách quá xa không thể tấn công chúng.[16] Zähringen cùng các con tàu chị em đã không có mặt trong thành phần hạm đội Đức tham gia tấn công vịnh Riga vào tháng 8 năm 1916 do thiếu hụt lực lượng hộ tống. Sự tăng cường hoạt động của các tàu ngầm Anh đã buộc phía Đức phải phân bổ thêm tàu khu trục hộ tống để bảo vệ cho các tàu chiến chủ lực.[17]

Đến năm 1916, mối đe dọa của tàu ngầm đối phương tại biển Baltic buộc Hải quân Đức phải rút những chiếc lớp Wittelsbach đã lạc hậu khỏi các hoạt động ở tuyến đầu.[18] Zähringen thoạt tiên hoạt động như một tàu huấn luyện tại Kiel. Vào năm 1917, nó được sử dụng như một tàu huấn luyện thợ đốt lò, rồi trở thành một tàu mục tiêu.[4]

Hải quân Cộng hòa và Hải quân Đức Quốc xã

Vào tháng 4 năm 1919, Zähringen neo đậu tại cảng Danzig; nó được cho xuất biên chế nhưng vẫn giữ lại dàn vũ khí.[19] Căn cứ theo các điều khoản của Hiệp ước Versailles, Zähringen và các tàu chị em phải được giải giới, nhưng được giữ lại cùng với Hải quân Đức được tái thành lập sau khi chiến tranh trong những vai trò phụ trợ.[6] Zähringen vì vậy được rút khỏi Đăng bạ Hải quân vào ngày 11 tháng 3 năm 1920, được tháo bỏ vũ khí và sử dụng như một lườn tàu tại Wilhelmshaven cho đến năm 1926.[4]

Trong những năm 1927-1928, Hải quân Đức tái cấu trúc lại nó thành một tàu mục tiêu điều khiển bằng vô tuyến. Hệ thống động lực được đại tu, thay thế một cặp động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc, và được cung cấp hơi nước từ hai nồi hơi hải quân đốt dầu. Hệ thống được thiết kế để vận hành từ xa bằng điện tín vô tuyến. Hệ thống động lực mới cho phép nó đạt vận tốc tối đa 13,5 kn (25,0 km/h; 15,5 mph). Cấu trúc thượng tầng cũng được cắt bớt, lườn tàu được chất đầy gỗ bần. Khi công việc cải biến hoàn tất, Zähringen có trọng lượng choán nước 11.800 tấn (11.600 tấn Anh; 13.000 tấn thiếu). Khi không sử dụng như một mục tiêu, thủy thủ đoàn của nó bao gồm 67 người.[4] Nó đã phục vụ như tàu mục tiêu thực tập tác xạ cho Hải quân Cộng hòa Đức, và sau đó là Hải quân Đức Quốc xã, cùng với chiếc thiết giáp hạm cũ Hessen.[20]

Vào ngày 18 tháng 12 năm 1944, chiếc tàu chiến cũ bị trúng bom trong một cuộc không kích của Không quân Hoàng gia Anh xuống Gotenhafen (nay là Gdynia), và bị đắm ở vùng nước nông.[20] Zähringen được tạm thời cho nổi lên và kéo về cảng, nơi nó lại được cho đánh đắm để ngăn chặn lối ra vào cảng vào ngày 26 tháng 3 năm 1945. Xác tàu đắm được cho tháo dỡ tại chỗ, bắt đầu từ năm 1949; công việc kéo dài cho đến năm 1950.[4]